Sau khi Lê Thành Phương hy sinh, tham tán quân vụ Nguyễn Hào Sự – một trong những người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa đã cùng một số tướng lĩnh và nghĩa quân xây dựng căn cứ địa ở vùng núi La Hiên, dựa vào Thồ Lồ – Ma Dú, tiếp tục lãnh đạo nhân dân đánh Pháp.
Nguyễn Hào Sự sinh năm 1840 tại làng Phú Xuân, tổng Xuân Phong huyện Đồng Xuân, nay thuộc xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân. Từ nhỏ, ông được gia đình đưa ra Bình Định cho ăn học tử tế cả văn lẫn võ, trở thành một võ sư nổi tiếng, trở về quê nhà mở trường dạy võ. Sinh ra trong một gia đình khá giả, hào hiệp, trượng nghĩa, Nguyễn Hào Sự thường lấy của nhà và quyên góp thêm để giúp dân nghèo, được tặng hàm cửu phẩm bá hộ nên bà con trong làng thường gọi ông là Bá Sự.
Khi cuộc khởi nghĩa của Lê Thành Phương nổ ra ở Phú Yên, Nguyễn Hào Sự tập hợp lực lượng yêu nước địa phương, lập “Tụ hiền trang”, xây dựng căn cứ ở Hòn Ông, đặt mỹ danh mới là “Thạch Long Cương” (con rồng đá cứng rắn kiên cường), liên kết với phong trào Lê Thành Phương ở đồng bằng. Bà Năm Đường (Nguyễn Thị Vân Đương), chị ruột Nguyễn Hào Sự xuất lúa kho trong nhà cung cấp lương thực mua vũ khí.
Hòn Ông (Thạch Long Cương) còn gọi là hòn Phướn bởi vì nghĩa quân của Nguyễn Hào Sự dùng cờ phướn là ám tín hiệu để thông báo cho nhau khi giặc Pháp kéo đến.
Dựa vào địa thế hiểm trở nối liền với dãy núi La Hiên hùng vĩ, Nguyễn Hào Sự chiêu tập, rèn luyện binh sĩ, đúc khí giới, tiếp tục cuộc kháng chiến, lãnh đạo nhân dân bất hợp tác với giặc, không nộp thuế, chống đi xâu đi lính, Kinh - Thượng đoàn kết một lòng bảo vệ căn cứ.
Charles Fourniau, một trong những tên thực dân có vai vế cũng bày tỏ sự cảm phục: “Mặc dù có những việc quy hàng và những vụ hành quyết nhưng ở Bình Định, Phú Yên vẫn còn một vài người tài giỏi, có uy tín duy trì cuộc kháng chiến. Với một đồn lũy nhỏ ở vùng thượng du họ đã duy trì được một ảnh hưởng quan trọng đối với phần lớn dân chúng”.
Thực dân Pháp và tay sai Trần Bá Lộc tổ chức nhiều đợt tấn công vào căn cứ nhưng không thu được kết quả. Địch tổ chức bao vây, triệt đường tiếp tế và giở thủ đoạn hèn hạ bắt giam cha mẹ vợ con những người tham gia khởi nghĩa để lung lạc tinh thần Nguyễn Hào Sự và nghĩa quân. Nguyễn Hào Sự vẫn xem sự nước nặng hơn tình nhà, nhất quyết không ra hàng.
Thực dân Pháp giở thủ đoạn đốt phá xóm làng, tra tấn dân lành làm cho nhiều nghĩa quân dao động. Nguyễn Hào Sự cùng các đồng sự tổ chức nhiều hoạt động để cải thiện tình hình nhưng không thu được kết quả.
Trước sự đàn áp dã man của thực dân Pháp giáng xuống dân lành, Nguyễn Hào Sự cùng nhiều đồng chí chọn con đường tự ra nộp mình cho giặc để cứu dân.
Ông khảng khái nói thẳng vào mặt tên Việt gian Trần Bá Lộc: “Tôi về đây là vị biết vận nước đã hết. Nếu vẫn trụ bám ở căn cứ hoặc tự sát thì chỉ khổ cho xóm làng. Nước nhà lâm nguy, bổn phận tôi là dân phải ghé vai gánh vác việc quân vương giao phó. Công việc không thành thì chỉ biết lấy cái chết đền nợ nước mà thôi. Các ông cứ đem tôi ra chém, đừng chiêu hàng vô ích”.
Giặc Pháp giở đủ trò mua chuộc lẫn tra tấn dã man nhưng vẫn không lung lạc được Nguyễn Hào Sự, ngày 21/3/1892, địch đưa ông cùng các đồng chí hành hình ở bãi cát Tuần bên bờ sông Cái. Chị ruột ông, bà Năm Đường, một nữ lưu anh kiệt của đất Phú Yên bị đày đi nhà tù Lao Bảo và chết trong tù.
Tận mắt chứng kiến khí phách của Nguyễn Hào Sự trước lúc bị hành hình, trong báo cáo ngày 21/3/1892 gởi Toàn quyền Đông Dương, tên thực dân Brière không giấu được sự khâm phục đối phương: “Đây không phải là một kẻ kích động tầm thường. Với trí thông minh, với tư chất có học vấn, vẻ bề ngoài cao nhã đã làm cho ông đứng trên những thủ lĩnh nghĩa quân thông thường. Đây là một viên quan cứng cựa mà do tham vọng hoặc có thể do một thứ chủ nghĩa yêu nước không thể hiểu đã làm cho ông thành một kẻ phiến loạn không thể hòa giải được. Ông có một ảnh hưởng quan trọng đối với phần lớn dân chúng. Ông không ngừng kích động đồng bào của ông nổi dậy, tìm cách tập hợp họ lại thành những đơn vị quân sự, ban cấp cho họ ngạch bậc, vũ khí, ông chỉ thích bảo lưu hịch Hàm Nghi. Viên thủ lãnh này có thể thành công trong việc gây ra một phong trào chung ở những tỉnh Nam Trung kỳ".
Ông Bùi Tân – nguyên Chủ tịch Hội văn nghệ dân gian Phú Yên cùng nhiều vị bô lão Đồng Xuân sưu tầm được ba bài thơ của Nguyễn Hào Sự lưu truyền trong dân gian. Những bài thơ này do một đô đốc dưới tướng Nguyễn Hào Sự may mắn thoát chết đọc lại cho hậu thế ghi chép.
Tưởng nhớ một tấm gương trung liệt và để góp phần khắc họa chân dung, cốt cách, khí phách của danh nhân Nguyễn Hào Sự, xin phép được ghi lại ba bài thơ này để hậu thế kính yêu hơn một lãnh tụ Cần Vương anh hùng của đất Phú Yên.
LA HIÊN CẢM TÁC
La Hiên một dải nối trời mây
Sừng sững vươn lên bám đất này
Ba mặt non sông vầy thế cuộc
Bốn phương hào kiệt Hội Bình Tây
Suối réo gầm vang khơi tình nước
Rừng khua nhộn nhịp thế trận bày
Có nước có non âu phải giữ
Giặc thù lấn tới ắt tan thây
GỞI BẠN MAI SAU
Anh hùng nghĩa sĩ nỡ đi đâu
Há để non sông ngậm tủi sầu
Hận bấy quân thù tham độc ác
Thương tình đồng loại nạn thương đau
Để cứu dân lành đành thế mạng
Không can mãi quốc phải cúi đầu
Trải mật thi gan bồi đất tổ
Diệt thù xin gởi bạn mai sau
TUYỆT MỆNH THI
Trời đông mưa gió ào ào
Như hồn tử sĩ thét gào đâu đây
Một mình thao thức canh chầy
An dân cứu quốc dạ này không nguôi
Thương con nhớ mẹ ngùi ngùi
Lẽ nào hàng giặc lấp vùi thân danh
Thà ta cam chết đã đành
Để cứu dân lành thoát khỏi nạn tai
Lót đường cho lớp hậu lai
Noi gương tiến bước diệt loài xâm lăng
Ta dầu thịt nát xương tan
Máu rơi đất nước thêm trang sử vàng
Khi phong trào gặp khó khăn, bà Năm Đường (Nguyễn Thị Vân Đương) – chị ruột Nguyễn Hào sự một mình một kiếm vượt vòng vây ra Bình Định quê chồng (chồng bà là Võ Thiệp, anh em của Võ Trứ) để tập hợp lực lượng vào Phú Yên cứu viện. Thân gái dặm trường vượt đèo Mục Thịnh giữa đêm khuya, vị nữ lưu anh kiệt đất Phú Yên cảm khái nợ nước tình nhà có bài thơ cảm tác:
Trăng khuya một mảnh chia đôi ngả
Nửa ở La Hai nửa ở thành
Chung mối hận tình đi phải tính
Tìm người xướng hợp cuộc hưng binh
Thân gái dặm trường gươm một lưỡi
Vượt đèo Mục Thịnh đến Vân Sơn
Vó câu dẫm nát loài lang sói
Quét sạch xâm lăng đẹp nghĩa tình
Sự hy sinh cao cả và bi tráng của chị em Nguyễn Hào Sự cùng các tướng lĩnh và nghĩa quân trung kiên là một trong những trang sử vàng sáng chói trong sự nghiệp chống ngoại xâm cuối thế kỷ XIX của tỉnh Phú Yên anh hùng.
(Sưu tầm - Lê Hoài Tiên)