wrapper

Tiêu điểm

BÀI THƠ NGƯỜI LÍNH
Ngô Ngọc Thư
Thương tặng Dương Bình Luyện và những người bạn cùng thời

Tôi thích những bài thơ viết về  người lính. Đặc biệt là  người lính vệ quốc lãng mạn, hào hoa của thời binh lửa: Màu tím hoa sim của Hữu Loan; Tây Tiến của Quang Dũng và rất nhiều bài thơ khác viết về hình ảnh người lính trong thời chống Mỹ mãi mãi sống với thời gian. Hồi tôi đi học, người ta ngại nhắc đến những bài thơ ấy vì điều gì không rõ. Song nó vẫn sống và thăng hoa trong tâm trí bao thế hệ. Trải qua thăng trầm của lịch sử, những bài thơ trên đã khẳng định vị trí xứng đáng của mình trên thi đàn. Những tiếng thơ bi tráng của một nền thơ mãi mãi vang vọng.

Thời thanh niên chúng tôi là thời đất nước vừa đang gồng mình vươn lên từ trong đổ nát sau chiến tranh khốc liệt, vừa phải đổ máu cho đất nước bạn Cam-pu-chia đang đứng trước thảm họa diệt chủng. Bao người bạn với ước mơ  đèn sách cùng thời đã xếp bút nghiên hiên ngang lên đường thực hiện chí làm trai và rất nhiều người đã dừng lại mãi mãi với tuổi thanh xuân khắc vào đá núi muôn đời, bỏ mặc sau lưng giảng đường với khung trời đầy kỉ niệm. Tôi không thể nào quên được tâm trạng của lớp trẻ thời ấy. Biết bao nhiêu cảm xúc khác nhau xen trộn trong lòng những người trai trẻ vừa rời ghế nhà trường trung học. Lớp chúng tôi cảm nhận được hết cảm xúc bi hùng trong lời kêu gọi thiêng liêng của tổ quốc. Nhiều lắm những bâng khuâng, và có cả nỗi niềm ray rức, nuối tiếc cho tương lai, cho một mối tình nào đó vừa chớm nở… Tất cả, tất cả đều đều là sự thật, sự thật cay đắng nhưng nên thơ, sự thật đớn đau nhưng trầm hùng mà chúng tôi đã nếm trãi. Rồi phải gác lại kỉ niệm, hẹn ngày mai kết thúc chiến tranh, xốc ba lô lên đường. Hồi ấy, những chàng trai 20 tuổi, phần lớn vẫn còn rất nhút nhác khi nghĩ về tình yêu. Ấy vậy mà sao vẫn xúc cảm đến tận cùng khi nghe Em vẫn đợi anh về (Em vẫn đợi anh về - Lê Giang, 1/9/1979). Đó có lẽ là dự cảm đã ngấm vào máu của một dân tộc luôn sẵn sàng, hiên ngang đi vào các cuộc trường chinh vệ quốc. Xin cảm ơn nghìn lần những bài thơ thời ấy đã nói hộ nỗi niềm cho người ra đi và cả cho người ở lại.

Cho dù thời gian đã lùi xa, hôm nay tình cờ đọc lại mấy bài thơ cũ, bao kỉ niệm xưa ùa về. Lòng chùng xuống, thổn thức bất ngờ. Những vần thơ vẹn nguyên cảm xúc, như rượu lại làm say lòng người. Một lần nữa xin được dành những tình cảm thuở ban đầu lưu luyến hoàn nguyên của tuổi đôi mươi ngày xưa bâng khuâng với một bài thơ hay thời ấy. Bài thơ Gửi bạn bè làm xong nghĩa vụ của Phạm Sỹ Sáu - người cùng thời - vẫn còn nguyên hương vị nồng nàn của nó. Bài thơ rất hay nên có sức thu hút mạnh với nhiều người trong suốt một thời gian dài, và vì vậy xin bạn đọc bỏ qua nếu tôi có vô tình dẫm vào dấu chân của người đi trước.

Bài thơ là một mảng kỉ niệm bỏng cháy khôn nguôi về  thời binh lửa của một thế hệ trẻ hào hùng. Những từ ngữ, hình ảnh cứ đứng mãi như những nhân chứng lịch sử thời gian trong bài thơ. Cái thời ấy là cái thời không lẫn vào đâu được. Đó là cái thời mà đám con trai chúng tôi khao khát vô cùng để được những lần  “Dép sa- bô gõ trên phố chiều vàng” rồi “cỡi xe đạp lang thang” đi “dưới phố cây xanh” hoặc “Phố lên đèn, ánh điện sáng lung linh”… Có cả những “cột mốc” kỉ niệm về tình yêu mới chớm khác biệt với mọi thời:

“Mai mầy về thành phố rợp cờ sao
Tao lại nhớ năm xưa tụi mình đi phấn khởi
Buổi tụi mình lên đường chưa có bài Em vẫn đợi
Nên tay cô gái nào đứng vẫy mãi theo xe”

Thế là những chàng trai học trò ngây thơ nhưng say lý tưởng, mang cả một trời kỉ niệm ra chiến trường. Và vì vậy, cũng dễ hiểu khi bài thơ có rất nhiều đoạn nói về tình yêu trong cảm nhận của người lính nơi biên cương xa xôi:

          Mai mầy về bình yên trong giấc ngủ
          Có nhớ bạn bè biên giới ướt sương đêm
          Có nhớ tụi tao khao khát hôn lên mái tóc mềm
          Của con gái một thời thương nhớ nhất…
 
          Mai mầy về với người yêu trong tay
          Hãy hôn giùm tao những nụ hôn đời lính
          Hãy nói dùm tao trong phút giây trầm tĩnh
          Rằng: cảm ơn nàng đã yêu lính biên cương
          Gặp cô gái nào mầy thấy dễ thương
          Hãy chào dùm tao nụ cười mong nhớ
          Mầy đã trải qua những đêm nằm trăn trở
          Cái riêng trong lòng đã chia sẻ cho nhau

Quả thật lời thơ nặng lắm nỗi niềm ngậm ngùi, luyến tiếc. Có chút lãng mạn của những chàng thư sinh vừa mới dứt áo hào hoa, thấm bụi trường chinh. Đó là tâm trạng thực của một lớp trai hùng. Không bao giờ là yếu mềm, là bi lụy mà đó chính là cội nguồn của sức mạnh, giúp người lính vượt qua bao vất vả, khó khăn, hy sinh trong  cuộc chiến:

          Và thư đến với tụi mình trong rừng khộp, rừng le
          Thành sức mạnh trên đầu lê xuất kích…
 
          Vết thương nào không quằn quại cơn đau
          Lại mơ thấy đôi tay mềm chăm sóc
          Tụi mình con trai lúc lòng chùng, chực khóc
          Đâu phải yếu mềm khi vuốt mắt bạn thân

Bài thơ lại tiếp tục với những dòng liên tưởng trẻ trung rất thực, “rất người”:

          Mầy đi xi-nê có nhớ những lần bám địch
          Nòng thép dài thay tay mát bàn tay…
         
          Mai mầy về đi dưới phố cây xanh
          Nếu gặp nắng đừng đưa tay che vội
          Hãy nhớ tụi tao trầm mình trong nắng dội
          Khát dòng sông như khát thuở thanh bình
          Phố lên đèn, ánh điện sáng lung linh
          Có nhớ tụi tao bên này đêm- bóng -tối
          Mấy tháng ròng giọt dầu hôi không biết tới
          Nên rất trẻ thơ muốn trăng sáng bốn tuần…

Và những kỉ niệm của một thời “bao cấp”, đất nước khốn khó bao điều cũng đi vào bài thơ một cách chân thực, không hề dụng ý nhưng lại tiếp tục nâng tầm cao cho những người anh hùng. Bản chất của người lính được thể hiện rõ ràng, ngay thẳng không chút quanh co dù cuộc sống có không ít điều phức tạp. Đó là lời thề vì nhân dân quên mình, vì đất nước hy sinh không bao giờ tính toán thiệt hơn ở bất kì hoàn cảnh nào. Cái chết, cái sống  ngoài chiến trường thì rõ ràng và đã quen nhìn thẳng,  nhưng với cái trong, cái đục của cuộc đời thường lắm khi khó thấy, khó lường. Lời nhắn nhủ của đồng đội về cách sống thật chân tình, sâu lắng nhưng cũng rất quyết liệt mạnh mẽ:

          Hãy mở mắt ra nhìn đời trong đục
          Nhìn thật bao dung và cũng thật là người
          Hãy nhớ trong gian lao tụi mình vẫn cười
          Trong thiếu thốn vẫn kiên trì khắc phục
          Đừng chùn chân nếu chạm vào tiêu cực
          Dấu ấn chiến trường nào dễ phôi pha.

Tinh thần người lính vệ quốc Việt Nam của muôn đời là luôn gánh lấy cái khó khăn, gian khổ, hy sinh vào mình và dành sự bình yên cho nhân dân. Tinh thần ấy đã thấm sâu vào máu của những người đi qua cuộc chiến, không dễ gì phôi pha:

          Mầy về ra nông trường, vào xưởng máy hay cơ quan
          Hãy làm việc bằng tinh thần người lính
          Cái thiếu ở chiến trường mầy đâu cần làm sổ tính
          Hãy làm thật nhiều sản phẩm giúp tụi tao

Những dòng thơ kết thúc là nỗi niềm của người ở lại cùng đội ngũ. Buổi chia tay với người đồng đội làm xong nghĩa vụ không có nước mắt vì ở trên kia, người lính đã nói: Tụi mình con trai lúc lòng chùng, chực khóc. Đâu phải yếu mềm khi vuốt mắt bạn thân. Song không  gian tiễn đưa với gió bụi biên cương gợi nhớ vô cùng khúc ngâm chinh phụ:

          Tiễn mầy về, gió lốc, bụi mù bay
          Cho tóc rợp bám đầy đường ít nắng.

Gió bụi biên cương đã nói hộ lòng người. Cái hay nhất của bài thơ có lẽ là ở chỗ lúc lòng chùng đó không dừng lại lâu và thay vào đó ngay là phong thái lạc quan và chút lãng mạn đáng yêu của người lính trẻ:

          Trung đội thiếu mầy tao càng thấy vắng
          Nhưng vững tin đội ngũ vẫn có mầy
          Tao chừ còn nặng nợ với cỏ cây
          Nên chẳng biết nói sao cho mầy rõ
 
          Đất nước mình: hòa bình và  súng nổ
          Ở mặt trận nào cũng cần có niềm tin
          Trong thời đại tụi mình đất nước sẽ bay lên
          Bằng trí tuệ và mồ hôi tuổi trẻ…

Bài thơ khép lại với âm hưởng của lời hát “vì nhân dân quên mình” quen thuộc nhưng luôn đánh thức trong lòng người lính những điều mới mẻ. Và cũng vì vậy, âm hưởng bài hát, sự chân tình của bài thơ mãi mãi là ngọn lửa giữ ấm đến muôn đời những kỉ niệm của một thời đã qua.

                                                                                      Tuy Hòa, 11/ 12/2017
GỬI BẠN BÈ LÀM XONG NGHĨA VỤ
                                  Phạm Sỹ Sáu

Mai mầy về thành phố dang rộng tay
Đón mầy và đón bao thằng đã làm xong nghĩa vụ
Mai mầy về bình yên trong giấc ngủ
Có nhớ bạn bè biên giới ướt sương đêm
Có nhớ tụi tao khao khát hôn lên mái tóc mềm
Của con gái một thời thương nhớ nhất
Mầy về mùa mưa, quần áo không lấm lem bùn đất
Dép sa-bô gõ trên phố chiều vàng
Quen tính hay đi mầy cỡi xe đạp lang thang
Có nhớ tụi tao cởi trần đi phục.

Hãy mở mắt ra nhìn đời trong đục
Nhìn thật bao dung và cũng thật ra người
Hãy nhớ trong gian lao tụi mình vẫn cười
Trong thiếu thốn vẫn kiên trì khắc phục
Đừng chùn chân nếu chạm vào tiêu cực
Dấu ấn chiến trường nào dễ phôi phai.

Mai mầy về với người yêu trong tay
Hãy hôn giùm tao những nụ hôn đời lính
Hãy nói giùm tao trong phút giây trầm tĩnh
Rằng: cảm ơn nàng đã yêu lính biên cương
Gặp cô gái nào mầy thấy dễ thương
Hãy chào giùm tao nụ cười mong nhớ
Mầy đã trải qua những đêm nằm trăn trở
Cái riêng trong lòng đã chia sẻ cho nhau

Vết thương nào không quằn quại cơn đau
Lại mơ thấy đôi tay mềm chăm sóc
Tụi mình con trai lúc lòng chùng, chực khóc
Đâu phải yếu mềm khi vuốt mắt bạn thân.

Mai mày về đi dưới phố cây xanh
Nếu gặp nắng đừng đưa tay che vội
Hãy nhớ tụi tao trầm mình trong nắng đội
Khát dòng sông như khát thuở thanh bình
Phố lên đèn, ánh điện sáng lung linh
Có nhớ tụi tao bên này đêm – bóng – tối
Mấy tháng ròng giọt dầu hôi không biết tới
Nên rất trẻ thơ muốn trăng sáng bốn tuần.

Mầy về ra nông trường, vào xưởng máy hay cơ quan
Hãy làm việc bằng tinh thần người lính
Cái thiếu ở chiến trường mày đâu cần làm sổ tính
Hãy làm thật nhiều sản phẩm giúp tụi tao.

Mai mầy về thành phố rợp cờ sao
Tao lại nhớ năm xưa tụi mình đi phấn khởi
Buổi tụi mình lên đường, chưa rõ bài Em vẫn đợi
Nên tay cô gái nào đứng vẫy mãi theo xe
Và thư đến với tụi mình trong rừng khộp, rừng le
Thành sức mạnh trên đầu lê xuất kích
Mầy đi xi-nê có nhớ những lần bám địch
Nòng thép dài thay tay mát bàn tay
Tiễn mày về, gió lốc, bụi mù bay
Cho tóc rợp bám đầy đường ít nắng

Trung đội thiếu mầy tao càng thấy vắng
Nhưng vững tin đội ngũ vẫn có mầy
Tao chừ còn nặng nợ với cỏ cây
Nên chẳng biết nói sao cho thấy rõ.

Đất nước mình: hoà bình và súng nổ
Ở mặt trận nào cũng cần có lòng tin
Trong thời đại tụi mình đấy nước sẽ bay lên
Bằng trí tuệ và mồ hôi tuổi trẻ

“Vì nhân dân quên mình ” bài hát dậy trong lòng mới mẻ
Mai mày về tao xin gởi bài thơ.
Theo: www.phuyen.edu.vn

Cập nhật: Thứ ba, 26 Tháng 12 2017
Trong danh mục: « Áo trắng má hồng

Bình luận

Thông tin

Trường THPT Nguyễn Thái Bình được thành lập theo quyết định số 976/QĐ-UBND Phú Yên, ngày 07/6/2013, tiền thân là trường PT Cấp 2 - 3 Xuân Phước trên cùng địa bàn của xã.

Trường được khởi công xây dựng vào tháng 11/2011 và hoàn thành tháng 7/2013 với diện tích hơn 2,7 ha và kinh phí hơn 25 tỷ đồng....

Sự kiện đáng chú ý

Chiều ngày 02/10/2014, Công đoàn cơ sở ...
Hòa chung trong không khí sôi nổi của ...
Hòa chung không khí vui mừng của cả ...

Thông báo

Để phục vụ cho kỳ thi THPT Quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ, Bộ GD - ĐT. Thí sinh thực hiện như sau:

Cụ thể:

  • Giai đoạn 1: Lập hồ sơ đăng ký dự thi: Truy cập vào địa chỉ http://thituyensinh.vn » Thí sinh khai thác thông tin về mã trường, mã ngành, tổ hợp môn thi .....
  • Giai đoạn 2: Kiểm tra thông tin cá nhân: Sau khi điểm thu nhận hồ sơ cập nhật thông tin của thí sinh lên hệ thống thi THPT quốc gia, hệ thống sẽ cấp cho mỗi thí sinh một mã đăng nhập, thí sinh cập nhật vào trang http://thisinh.thithptquocgia.edu.vn đề kiểm tra mọi thông tin cá nhân cua mình.
  • Giai đoạn 3: Kiểm tra kết quả thi, thay đổi nguyện vọng: sau khi có kết quả kỳ thi THPT quốc gia, thí sinh có thể thực hiện thay đổi nguyện vọng của mình trên bằng cách sử dụng mã đăng nhập mà hệ thống đã cung cấp.

Kế hoạch

Kế hoạch công tác

Nội dung 1

Nội dung 2

....